Theo báo cáo từ các thư viện tại Vũng Tàu, tổng số sách hiện có tại các thư viện trên địa bàn là 107.362 bản sách, trong đó, chỉ riêng năm 2024 đã bổ sung gần 3000 bản sách mới. Mặc dù số lượng sách ngày càng tăng, thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hình thành và duy trì thói quen đọc sách trong thời đại số hóa này.
Bạn đoc truy cập máy tính để tìm kiếm thông tin các bản sách điện tử tại một góc đọc sách của Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao Thành phố
Trong thời gian qua, nhiều địa phương, đặc biệt là tại Vũng Tàu, đã triển khai các mô hình thư viện thông minh với mục tiêu tạo ra môi trường đọc sách dễ tiếp cận và hiện đại. Các thư viện này không chỉ là nơi lưu trữ sách báo truyền thống mà còn được tích hợp các thiết bị công nghệ hiện đại, hỗ trợ tra cứu thông tin và đọc tài liệu trực tuyến.
Theo số liệu thống kê, hệ thống thư viện công cộng tại Vũng Tàu đã phục vụ trên 3.110.000 lượt bạn đọc trong năm 2024, trong đó 3.000.000 lượt bạn đọc đã được phục vụ qua không gian mạng. Điều này cho thấy rằng công nghệ thông tin đã trở thành cầu nối quan trọng giúp mở rộng không gian đọc, tiếp cận nguồn tri thức cho mọi người dân, từ các khu vực trung tâm đến các vùng xa xôi.
Bên cạnh đó, việc số hóa các tài liệu đặc biệt có giá trị cũng đang được đẩy mạnh, giúp bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Việc liên kết giữa các thư viện địa phương với Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận kho tài liệu số phong phú, góp phần xây dựng một cộng đồng yêu sách mạnh mẽ.
Giao diện thư viện điện tử giúp người dân tra cứu tài liệu trực tuyến.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các sự kiện văn hóa đọc truyền thống vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy niềm đam mê đọc sách. Tại Vũng Tàu, các hoạt động như “Ngày Sách và Văn Hóa Đọc Việt Nam” hay “Đọc Sách Vì Tương Lai” không chỉ là dịp để giới thiệu những cuốn sách mới mà còn là cơ hội để kết nối giữa người viết và người đọc.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024, các đơn vị đã tổ chức 24 cuộc trưng bày với tổng cộng 2.300 bản sách báo, tạp chí nhằm chào mừng các ngày lễ lớn. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán, gian hàng Báo Xuân tại Công viên đường sách thành phố Vũng Tàu đã thu hút tới 8.000 lượt bạn đọc và khách tham quan. Các cuộc thi viết cảm nhận về sách, triển lãm sách hay giao lưu với tác giả không chỉ giúp người đọc tìm thấy niềm vui khi đọc mà còn thúc đẩy họ suy nghĩ sâu hơn về các vấn đề xã hội, văn hóa thông qua từng trang sách.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành ngày hội với các em thiếu nhi
Công nghệ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người đọc tiếp cận tri thức mà còn mở ra những cơ hội mới cho văn hóa đọc phát triển rộng khắp hơn. Sự ra đời của các ứng dụng đọc sách trên điện thoại di động, máy tính bảng hay các thiết bị đọc sách chuyên dụng như Kindle đã biến việc đọc sách trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu giữa các thư viện và hệ thống quản lý trực tuyến cũng đã giúp người dân có thể tra cứu và mượn sách từ xa. Đến nay, thành phố Vũng Tàu đã cấp 727 thẻ bạn đọc mới, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ của thư viện công cộng.
Các nền tảng đọc sách điện tử và sách nói (audiobooks) cũng đang trở thành xu hướng mới, đặc biệt là trong giới trẻ. Thay vì phải mang theo những cuốn sách cồng kềnh, giờ đây người đọc có thể tiếp cận kho sách khổng lồ chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại.
Dù có những bước tiến đáng kể, việc phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là làm sao để cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và duy trì thói quen đọc sách truyền thống. Sự bùng nổ của mạng xã hội và các phương tiện giải trí số có thể khiến người đọc dễ bị phân tán tư tưởng, giảm khả năng tập trung khi đọc sách.
Tuy nhiên, nếu biết cách tận dụng công nghệ một cách hợp lý, văn hóa đọc có thể phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các thư viện thông minh, các ứng dụng đọc sách và các sự kiện văn hóa đọc đều là những công cụ hữu ích giúp con người duy trì và phát triển tình yêu với sách vở.
Trong tương lai, với sự hỗ trợ của công nghệ, văn hóa đọc không chỉ là việc đọc sách mà còn trở thành một phần trong quá trình giáo dục, phát triển bản thân và kết nối cộng đồng. Điều quan trọng là chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sách giấy và sách điện tử, để văn hóa đọc luôn được nuôi dưỡng và phát triển.
Bài, ảnh: Phan Thảo, BBT