Giao thông luôn đi trước một bước để dẫn dắt phát triển – đó là quan điểm nhất quán mà thành phố Vũng Tàu đã và đang theo đuổi trong suốt quá trình phát triển của mình. Với định hướng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đô thị loại đặc biệt và là một trong những điểm đến hàng đầu Đông Nam Bộ, thành phố biển này không ngừng đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.
Từ những tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng kinh tế trọng điểm đến mạng lưới giao thông nội đô được chỉnh trang khang trang, Vũng Tàu đang chứng kiến sự “lột xác” về không gian đô thị, cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người dân và thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ. Không chỉ là phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông tại Vũng Tàu ngày nay còn là nền tảng để phát triển đô thị xanh – thông minh – bền vững, sẵn sàng cho những bước chuyển mình quan trọng trong tương lai gần.
Đầu tư đồng bộ, định hình diện mạo đô thị biển hiện đại
Thành phố Vũng Tàu xác định giao thông là trụ cột để nâng tầm đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Từ năm 2021 đến nay, hơn 128 tuyến đường đã được đầu tư mới, cải tạo với tổng vốn trên 14.900 tỷ đồng. Nhiều trục giao thông huyết mạch như 30/4 – 3/2 – 2/9, Hạ Long – Quang Trung – Trần Phú, Lê Hồng Phong – Võ Thị Sáu… đã được mở rộng, nâng cấp, giải quyết căn bản tình trạng quá tải vào mùa du lịch cao điểm.
Khơi thông toàn diện khi hạ tầng giao thông ngày càng chất lượng và hoàn chỉnh
Ngoài ra, các tuyến đường ngang kết nối như đường Hàng Điều, cầu Cháy, Lê Quang Định, quy hoạch A3/A4 – Thống Nhất nối dài… được triển khai đồng bộ đã tạo nên cấu trúc “xương cá” giao thông nội đô, mở rộng không gian phát triển về hướng Bắc và Tây Nam thành phố. Khu vực xã đảo Long Sơn, từng bị cô lập, nay đã có cầu Gò Găng và các tuyến đường kết nối quốc lộ 51, giúp phát triển mạnh mẽ công nghiệp, đô thị sinh thái và dịch vụ hậu cần dầu khí.
Giao thông đối ngoại: mở rộng kết nối vùng, hút đầu tư
Không chỉ đầu tư vào nội đô, Vũng Tàu chú trọng mạnh mẽ vào kết nối vùng. Tuyến đường ven biển ĐT994 đang được mở rộng từ Vũng Tàu – Bình Châu, mở ra không gian du lịch mới cho cả khu vực Đông Nam Bộ. Dự án đường nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện đã giải phóng mặt bằng xong, sẵn sàng thi công, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM và sân bay Long Thành.
Về giao thông thủy, các tuyến tàu cao tốc và phà Cần Giờ – Vũng Tàu liên tục tăng chuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối nhanh, giảm áp lực giao thông đường bộ. Sự đa dạng về phương thức kết nối đã góp phần đáng kể trong thu hút dòng khách du lịch cũng như đầu tư bất động sản và dịch vụ.
Cải thiện chất lượng sống, thúc đẩy du lịch và đô thị thông minh
Giao thông được cải thiện không chỉ giúp đi lại thuận tiện mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân. Các dự án như chỉnh trang tuyến Thùy Vân với khoảng 1.100 tỷ đồng, công viên biển, quảng trường ven biển… đang tạo nên diện mạo đô thị hiện đại, thân thiện với người dân và du khách. Trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, hàng chục nghìn lượt khách đổ về Bãi Sau đã phần nào cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” rõ nét của thành phố biển Vũng Tàu.
Song song đó, thành phố triển khai mạnh mẽ việc ngầm hóa lưới điện, hệ thống thoát nước, lắp đặt camera giám sát giao thông, bố trí mã QR chỉ dẫn điểm đậu xe… hướng đến mô hình đô thị thông minh, vận hành hiệu quả và minh bạch.
Giao thông khơi thông động lực phát triển kinh tế
Sự bứt phá trong đầu tư hạ tầng đã giúp thành phố Vũng Tàu trở thành tâm điểm hút dòng vốn đầu tư. Năm 2024, thành phố đã thu hút hơn 12.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án đô thị mới, trong đó nhiều khu vực từng là “vùng trũng” như phường 12, xã Long Sơn nay trở thành trung tâm phát triển mới.
Hạ tầng giao thông chất lượng vì vậy Vũng Tàu luôn là địa phương được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được chọn là nơi tổ chức sự kiện, phát triển du lịch
Các dự án lớn như khu đô thị Bàu Trũng, tổ hợp du lịch sinh thái Gò Găng- Vũng Tàu, các khu đô thị ven biển đều gắn liền với quy hoạch giao thông chiến lược. Nhờ đó, giá trị đất đai tăng lên, tạo điều kiện cho người dân tái đầu tư, cải thiện đời sống, đóng góp vào ngân sách địa phương.
Hướng tới đô thị biển thông minh, bền vững
Theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm du lịch biển đẳng cấp quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giao thông, áp dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử vào điều hành hành chính và quy hoạch không gian.
100% tuyến đường chính được trải nhựa, hơn 90% ngõ hẻm được nâng cấp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo nên sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Vũng Tàu hiện là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh toàn diện, là điểm sáng về hạ tầng, môi trường và sự hài lòng của người dân.
Giao thông không chỉ là những con đường, cây cầu – đó là hơi thở của đô thị, là mạch máu của phát triển kinh tế và xã hội. Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết đoán và sự đồng thuận từ người dân, thành phố Vũng Tàu đã và đang làm nên những bước tiến vững chắc trong hành trình khơi thông hạ tầng, kích hoạt động lực tăng trưởng.Sự phát triển toàn diện của hạ tầng giao thông chính là minh chứng sống động cho định hướng đúng đắn của thành phố trong công cuộc hiện đại hóa, hội nhập và vươn lên trở thành đô thị biển đáng sống bậc nhất Việt Nam. Những công trình trọng điểm đang dần hiện hữu không chỉ giúp cải thiện diện mạo đô thị, giảm tải áp lực giao thông mà còn mở ra tương lai tươi sáng cho ngành du lịch, dịch vụ, bất động sản và đời sống nhân dân.
Hướng đến năm 2030 và xa hơn nữa, Vũng Tàu sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông thông minh, bền vững, đặt nền móng vững chắc cho mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và thành phố kiểu mẫu của cả nước trong thời đại số./.
Bài, ảnh: Việt Bách, BBT