Mùa mưa đang chuẩn bị vào mùa, thành phố Vũng Tàu cũng đã bắt đầu vào cuộc với việc ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, ngành y tế và các địa phương trên địa bàn tăng cường cảnh giác cao độ với nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Không phải là căn bệnh mới, nhưng sốt xuất huyết vẫn luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mỗi khi mùa mưa đến – nhất là khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với đặc điểm đô thị phát triển xen kẽ với các khu dân cư đông đúc, công trình xây dựng liên tục mọc lên, các điểm nước đọng – môi trường lý tưởng cho muỗi vằn sinh sôi – ngày càng nhiều hơn. Trước thực trạng này, Đảng bộ và chính quyền TP. Vũng Tàu đã chủ động triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, từ truyền thông, vận động nhân dân diệt lăng quăng hàng tuần đến tổ chức các đợt phun hóa chất diện rộng. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính tinh thần tự giác, ý thức bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của mỗi người dân mới là "liều vắc xin" hữu hiệu nhất giúp thành phố vượt qua mùa dịch một cách an toàn và bền vững.
Diệt muỗi, diệt lăng quăng – giải pháp căn cơ
“Không có lăng quăng – không có muỗi vằn – không có sốt xuất huyết” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động cụ thể trong từng khu phố, từng hộ dân tại Vũng Tàu. Tại phường Rạch Dừa, lực lượng y tế và tổ dân phố đã tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân lật úp các vật dụng có thể đọng nước như xô, chậu, vỏ xe, gáo dừa, đặc biệt tại các khu đất trống và khu vực sau nhà – nơi dễ bị lãng quên.
Chị Trần Thị Bích Hạnh (khu phố 5, phường Thắng Nhất) cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ cần xịt muỗi là đủ. Nhưng sau khi được nhân viên y tế phường đến tuyên truyền, tôi mới hiểu rằng diệt lăng quăng mới là bước quan trọng nhất. Bây giờ cả nhà tôi đều thay nước bình hoa, đổ bỏ nước thừa hằng tuần, che kín các chum, vại.”
Vũng Tàu chủ động tuyên truyền phòng ngừa sốt xuất huyết để Nhân dân biết
Song song với đó, ngành y tế thành phố cũng tăng cường hoạt động thả cá ăn lăng quăng vào lu, bể nước lớn tại các hộ dân, trường học và cơ sở thờ tự. Nhiều mô hình cộng đồng tự quản về phòng chống sốt xuất huyết đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt tại các phường có nguy cơ cao như Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Phường 10, 11, 12...
Phun hóa chất chủ động tại các điểm nóng
Để xử lý nhanh chóng những ổ dịch nhỏ, TP. Vũng Tàu đã xây dựng bản đồ số theo dõi dịch tễ từng khu dân cư. Khi phát hiện có ca nghi ngờ hoặc ca bệnh xác định, đội phòng chống dịch cơ động sẽ tiến hành phun hóa chất trong vòng 24 giờ. Trung tâm Y tế thành phố đã bố trí đầy đủ phương tiện, hóa chất, trang bị bảo hộ cho các tổ đội, bảo đảm triển khai an toàn, đúng kỹ thuật.
Tính đến giữa tháng 3/2025, toàn thành phố đã thực hiện 35 lượt phun diện rộng tại các điểm trường học, nhà trọ công nhân, chợ dân sinh và các tuyến hẻm có nguy cơ bùng phát dịch cao. Các phường đã phối hợp chặt chẽ để thông báo trước thời gian phun, hướng dẫn người dân bảo vệ thực phẩm, vật nuôi và chủ động hỗ trợ lực lượng phun hóa chất khi vào khu dân cư.
Tăng cường giám sát dịch tễ, không để dịch lan rộng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thường xuyên gửi văn bản cảnh báo, yêu cầu các trạm y tế phường, xã tại TP. Vũng Tàu nâng mức giám sát bệnh sốt xuất huyết lên mức độ cảnh báo cao. Bất kỳ trường hợp sốt không rõ nguyên nhân đều được khám sàng lọc kỹ lưỡng và nếu cần thiết sẽ lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 2 – chia sẻ: “Đã có trường hợp người dân chủ quan, sốt 2-3 ngày mới đến khám, khi nhập viện thì đã có dấu hiệu xuất huyết nặng. Chúng tôi liên tục nhắc nhở: khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đi khám sớm, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.”
Đặc biệt, các trường học trên địa bàn cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh lớp học, máng xối, chậu cây cảnh... Nhiều trường đã cho học sinh vẽ tranh tuyên truyền, thi tìm hiểu kiến thức về sốt xuất huyết dưới hình thức sân khấu hóa – giúp các em hiểu và chủ động phòng bệnh ngay từ nhỏ.
Chủ động truyền thông – đi từng ngõ, gõ từng nhà
Một điểm sáng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết năm nay tại TP. Vũng Tàu chính là sự phối hợp giữa y tế và công đoàn, thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh... Các tổ chức đoàn thể đã tổ chức gần 50 buổi tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, phát loa lưu động bằng xe máy tại các tuyến đường dân cư, khu nhà trọ công nhân, vùng ven biển.
Ngoài ra, các phường như Phường 3, Thắng Nhì, Thắng Tam, Phường 12, Xã Long Sơn… còn chủ động lồng ghép nội dung phòng chống sốt xuất huyết vào sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân phố và các buổi sinh hoạt cộng đồng. Mỗi buổi tuyên truyền đều có nội dung rõ ràng, sử dụng hình ảnh trực quan, dễ hiểu, giải đáp trực tiếp thắc mắc cho người dân.
Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh việc sử dụng fanpage của các phường, tổ dân phố điện tử, nhóm Zalo cộng đồng để cảnh báo các điểm dịch mới phát hiện, chia sẻ kinh nghiệm xử lý nước đọng, hướng dẫn cách nhận biết sớm dấu hiệu bệnh.
Chung tay từ công trường đến khu dân cư
Vũng Tàu là thành phố phát triển mạnh về du lịch và xây dựng, vì vậy các công trường đang thi công là môi trường có nguy cơ cao phát sinh lăng quăng. Để chủ động kiểm soát, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng cam kết và tổ chức dọn dẹp, thoát nước tốt tại công trình, định kỳ phối hợp ngành y tế kiểm tra và diệt muỗi, lăng quăng.
Chủ động dọn dẹp vệ sinh, nhất là những khu vực đất trống để ngăn chặn muỗi sinh sản, dịch bệnh
Anh Phạm Văn Lực – quản lý một công trình xây dựng tại Phường 3 – cho biết: “Chúng tôi đã bố trí các thùng chứa nước có nắp, phân công người phụ trách vệ sinh và phối hợp với trạm y tế để xử lý khi có dấu hiệu dịch bệnh. Ý thức được nâng lên rõ rệt, vì sức khỏe của anh em công nhân và cả cộng đồng.”
Dịch sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mỗi người dân cùng hành động quyết liệt, đồng lòng với ngành y tế và chính quyền địa phương. Những nỗ lực của TP. Vũng Tàu trong việc chủ động tuyên truyền, tổ chức phun hóa chất, kiểm tra lăng quăng, huy động cộng đồng vào cuộc không chỉ góp phần kiểm soát dịch hiệu quả mà còn nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe trong từng hộ gia đình.
Đáng mừng hơn, tinh thần phòng chống dịch đang dần trở thành thói quen, là một phần trong nếp sống văn minh đô thị. Song, để duy trì hiệu quả này, không thể trông chờ vào một đợt cao điểm hay chiến dịch ngắn hạn. Diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục – như một hành động tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày. Với sự chủ động và quyết tâm cao từ chính quyền đến người dân, tin rằng Vũng Tàu sẽ không chỉ kiểm soát tốt sốt xuất huyết trong mùa mưa năm nay, mà còn trở thành hình mẫu về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng./.
Bài, ảnh: Kim Nguyễn, BBT