angle-left null Xây nền tảng kỹ năng sống cho thế hệ trẻ: Vũng Tàu hành động vì mục tiêu không còn trẻ em đuối nước

Trong bối cảnh tình trạng đuối nước trong đối tượng trẻ em và học sinh vẫn diễn biến phức tạp và để lại những mất mát đau lòng cho nhiều gia đình, TP. Vũng Tàu đang tủc tốc triển khai Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước giai đoạn 2025 - 2035, hướng ứng Quyết Định 1717/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với mục tiêu nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước, tăng tỷ lệ học sinh biết bơi, giảm tối đa tử vong do tai nạn đuối nước, chương trình được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo và bảo vệ trẻ em trên địa bàn.

Mục tiêu rõ ràng – Hành động quyết liệt

Chương trình do UBND TP. Vũng Tàu ban hành nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1717/QĐ-TTg và Kế hoạch số 95/KH-UBND của tỉnh, hướng đến nhóm đối tượng là học sinh tiểu học, trung học cơ sở; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cha mẹ học sinh và các tổ chức liên quan. Trên nền tảng đó, thành phố đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa các vụ đuối nước học sinh, từng bước phổ cập bơi an toàn.

Dự kiến đến năm 2030, Vũng Tàu phấn đấu đạt tỷ lệ 65% học sinh lớp 5 và 70% học sinh lớp 9 biết bơi an toàn; nâng lên lần lượt 80% và 85% vào năm 2035. Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư bể bơi tại ít nhất 30% trường tiểu học và 25% trường THCS vào cuối kỳ kế hoạch. Tỷ lệ xã, phường có bể bơi phục vụ cộng đồng cũng tăng từ 75% vào năm 2030 lên 80% vào năm 2035.

Giáo dục kiến thức và kỹ năng là then chốt

Một trong những nội dung trọng tâm của chương trình là phổ cập kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong học đường. TP. Vũng Tàu sẽ biên soạn, chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn giảng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho từng cấp học. Nội dung này sẽ được tích hợp vào môn Giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, hội thi tìm hiểu kiến thức thực tiễn.

Giáo dục kiến thức và kỹ năng là then chốt

Những trường chưa có bể bơi sẽ được khuyến khích liên kết với bể bơi tại địa phương, huy động nguồn xã hội hóa và cha mẹ học sinh cùng tham gia tổ chức các lớp dạy bơi an toàn. Các đơn vị kinh doanh du lịch, thể thao dưới nước cũng được đề nghị phối hợp hỗ trợ công tác huấn luyện.

Truyền thông đa dạng – Lan tỏa nhận thức cộng đồng

Song hành cùng giáo dục chính khóa, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò trung tâm. Thành phố triển khai các hoạt động truyền thông qua nhiều kênh: website, mạng xã hội, bảng tin, tờ rơi, clip hướng dẫn; tổ chức lễ phát động, giải bơi, ngày hội thể thao hè, sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7 hàng năm.

Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ được giao phối hợp tổ chức hướng dẫn kỹ năng cứu hộ, kỹ năng sinh tồn và sơ cấp cứu đuối nước cho học sinh. Phụ huynh được khuyến nghị tăng cường giám sát trẻ trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, thiên tai.

 Bồi dưỡng lực lượng chuyên môn – Nâng cao chất lượng giảng dạy

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% cán bộ quản lý, giáo viên và 100% nhân viên y tế trường học được bồi dưỡng năng lực phòng chống đuối nước và sơ cấp cứu. Mỗi trường tiểu học, THCS có ít nhất 4 giáo viên được chứng nhận dạy bơi an toàn vào năm 2030 và tăng lên 6 người vào năm 2035.

 TP. Vũng Tàu cũng sẽ tổ chức các lớp huấn luyện dạy bơi, cứu hộ cơ bản, sơ cứu đuối nước

TP. Vũng Tàu cũng sẽ tổ chức các lớp huấn luyện dạy bơi, cứu hộ cơ bản, sơ cứu đuối nước, hướng dẫn sử dụng thiết bị và công cụ an toàn. Bộ tài liệu số, video clip, tranh ảnh minh họa và tiêu chí đánh giá học sinh biết bơi an toàn sẽ được triển khai đồng bộ toàn hệ thống giáo dục.

Đầu tư hạ tầng – Huy động xã hội hóa

Đầu tư cơ sở vật chất là một nội dung trọng yếu. Thành phố triển khai lắp đặt và duy trì hoạt động hiệu quả các bể bơi cố định, di động tại trường học, trung tâm cộng đồng và cụm trường. Các công trình phụ trợ như phòng thay đồ, hệ thống lọc nước, thiết bị cứu hộ được quy định chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Nguồn vốn được huy động từ ngân sách, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Thành phố cũng linh hoạt trong cơ chế tài chính: cho phép trích nguồn chi thường xuyên và vận động đóng góp hợp lý từ phụ huynh để duy trì lớp học bơi an toàn.

 Phối hợp liên ngành – Giám sát chặt chẽ

Sự phối hợp giữa ngành giáo dục với y tế, văn hóa, đoàn thể, chính quyền địa phương và các cơ sở bơi lội, thể thao dưới nước là yếu tố bắt buộc. Các ngành sẽ cùng xây dựng quy trình kiểm tra, đánh giá định kỳ tình hình dạy bơi, học bơi; giám sát an toàn tại các khu vực có nguy cơ cao về đuối nước.

Thành phố cũng thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử theo dõi tỷ lệ học sinh biết bơi, số lượng giáo viên được đào tạo, số bể bơi đạt chuẩn. Định kỳ tổ chức kiểm tra các cơ sở dạy bơi tư nhân và nhà trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn hoặc hoạt động không phép.

Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035 không chỉ là một kế hoạch giáo dục thuần túy mà còn là sự thể hiện cam kết chính trị của TP. Vũng Tàu trong việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và quyền được sống an toàn của trẻ em. Trong xu thế khí hậu biến đổi và tai nạn nước có xu hướng gia tăng, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và bền vững chương trình sẽ góp phần xây dựng một môi trường sống và học đường an toàn hơn cho mọi trẻ em.

Bằng việc huy động nguồn lực từ nhà nước, xã hội hóa và hợp tác liên ngành, TP. Vũng Tàu đang quyết tâm trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về công tác phổ cập bơi an toàn và giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu giảm thiểu tai nạn thương tích, chương trình còn đặt nền móng cho một thế hệ trẻ khỏe mạnh, chủ động, có kỹ năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên – yếu tố ngày càng cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng. Sự thành công của chương trình không chỉ phụ thuộc vào cơ chế chính sách mà còn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự đồng hành trách nhiệm từ nhà trường, phụ huynh và cộng đồng. Đây chính là thông điệp xuyên suốt và nhất quán trong hành trình đưa Vũng Tàu trở thành một “thành phố an toàn cho trẻ em” – nơi mỗi đứa trẻ được bảo vệ, yêu thương và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn kỹ năng sống./.

Bài, ảnh: Kim Nguyễn, BBT

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đường dây nóng
Chưa config