LIÊN KẾT WEBSITE

Bản sắc Thành phố Vũng Tàu

14/07/2024 00:00

Công an TP. Vũng Tàu bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm thi...

13/07/2024 00:00

Đường dây nóng
Chưa config
angle-left null Đồng bộ hóa quản lý di sản sau sắp xếp đơn vị hành chính: Cơ hội và thách thức trong bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

 

Sau đợt sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên toàn quốc nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, một vấn đề nổi lên trong lĩnh vực văn hóa là việc cập nhật, rà soát, điều chỉnh thông tin liên quan đến di tích, di sản văn hóa và các danh hiệu du lịch theo các đơn vị hành chính mới. Đây không chỉ là việc làm mang tính hành chính – kỹ thuật, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản – một phần hồn cốt của văn hóa Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1445/BVHTTDL-DSVH ngày 07/4/2025 và văn bản số 5282/UBND-VP ngày 11/4/2025 của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố và Bảo tàng – Thư viện tỉnh phối hợp thực hiện việc rà soát, cập nhật, đồng bộ hóa thông tin về di tích, di sản, bảo vật quốc gia và lễ hội truyền thống tại các địa phương có thay đổi đơn vị hành chính sau sắp xếp. Đây là bước đi cần thiết, tạo nền tảng cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử trong giai đoạn mới.

Vì sao phải rà soát lại hệ thống di sản sau sắp xếp đơn vị hành chính?

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhiều địa phương trên cả nước – trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự thay đổi về địa danh hành chính, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập trong việc quản lý hệ thống di sản văn hóa, đặc biệt là những di tích, danh lam thắng cảnh, di sản phi vật thể và lễ hội truyền thống đã được ghi nhận, xếp hạng hoặc đưa vào danh mục kiểm kê.

Tình trạng lệch địa chỉ giữa tên gọi hiện tại của đơn vị hành chính mới và địa danh cũ được ghi trong hồ sơ di tích khiến công tác quản lý gặp khó khăn, thiếu đồng bộ. Nếu không được rà soát, cập nhật kịp thời, sẽ tiềm ẩn nguy cơ xâm hại di tích, tranh chấp đất đai, thậm chí làm giảm giá trị lịch sử – pháp lý của các di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo rõ ràng: việc rà soát không làm thay đổi tên gọi gốc, không làm biến dạng giá trị văn hóa – lịch sử, nhưng phải đảm bảo tính pháp lý hành chính trong hồ sơ, bản đồ, tổ chức quản lý và trách nhiệm của từng cấp chính quyền trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Vũng Tàu: Chủ động bảo tồn di sản giữa bối cảnh hành chính mới

Hiện trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có 18 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng ở các cấp. Đây là những địa chỉ đỏ trong dòng chảy văn hóa dân tộc, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng, tín ngưỡng dân gian và sự phát triển của cộng đồng cư dân vùng biển Nam Bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thành phố Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực chủ động trong công tác bảo tồn và quản lý di tích, với sự tham mưu tích cực từ Phòng các phòng chuyên môn thành phố.

Đình Thắng Tam - Một trong những di tích là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, thành phố đã trùng tu 8 di tích, trong đó có: Nhà má Tám Nhung, chùa Phước Lâm, Nhà Lớn Long Sơn, trụ sở Ủy ban Việt Minh, đình thần Thắng Tam, cụm Đình – Chùa – Miễu Bà Long Sơn, Niết Bàn Tịnh Xá, Đồn nhà máy nước. Đáng chú ý, có 4 công trình trùng tu từ nguồn ngân sách, và 4 công trình xã hội hóa hoàn toàn, phản ánh tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong bảo tồn văn hóa.

Hiện có 4 di tích đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ cộng đồng: Nhà má Tám Nhung, trụ sở Ủy ban Việt Minh, Đồn nhà máy nước, cụm di tích Long Sơn (Đình – Miễu – Chùa). Tuy nhiên, trụ sở Ủy ban Việt Minh vẫn đang chờ hoàn thiện nội dung trưng bày để phục vụ khách tham quan. Đồng thời, thành phố đang xây dựng kế hoạch trùng tu cho 3 di tích trọng điểm khác gồm: Trận địa pháo cổ núi Tao Phùng, Ngôi nhà số 86 Phan Chu Trinh, và Thích Ca Phật Đài.

Huy động cộng đồng – tôn giáo cùng gìn giữ di sản

Một điểm sáng trong công tác bảo tồn di tích tại Vũng Tàu là sự tham gia tích cực của 7 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang trực tiếp quản lý các di tích: Niết Bàn Tịnh Xá, chùa Linh Sơn, đình thần Thắng Tam, chùa Phước Lâm, Thích Ca Phật Đài, Nhà Lớn Long Sơn, cụm Đình – Chùa – Miễu Bà Long Sơn. Các cơ sở này chủ động huy động kinh phí, tổ chức trùng tu, tôn tạo, duy trì các hoạt động lễ hội, góp phần bảo tồn không gian văn hóa dân gian và tăng cường giáo dục truyền thống tại địa phương.

Những lễ hội như Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, Lễ hội Trùng Cửu Long Sơn... không chỉ là sự kiện văn hóa – tín ngưỡng, mà còn là chất liệu sống động giúp di tích không “hóa đá”, luôn gắn kết với cộng đồng đương đại.

Những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác quản lý di tích tại thành phố Vũng Tàu hiện vẫn còn không ít khó khăn:Thiếu nhân sự quản lý chuyên trách tại các di tích, dẫn đến tình trạng không rõ người chịu trách nhiệm trông coi, bảo vệ; Phối hợp giữa ngành văn hóa và các cơ quan liên quan còn lỏng lẻo, đặc biệt trong việc phát huy giá trị giáo dục, du lịch – trải nghiệm tại di tích; Nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chống xuống cấp di tích còn hạn chế, trong khi nhu cầu thực tế là rất lớn; Việc lập hồ sơ, dự án trùng tu gặp khó khăn do thiếu dữ liệu, thiếu biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ có xác nhận của đơn vị hành chính cũ. Luật Di sản Văn hóa chưa được phổ biến sâu rộng, dẫn đến một số hành vi vi phạm vẫn còn tồn tại như xây dựng trái phép, lấn chiếm đất di tích, sử dụng không đúng mục đích.

 Đồng bộ pháp lý, củng cố tổ chức – chìa khóa cho giai đoạn mới

Trong bối cảnh đơn vị hành chính mới được hình thành sau sắp xếp, việc cập nhật hồ sơ khoa học, xác định rõ tổ chức chịu trách nhiệm, hoàn chỉnh bản đồ khoanh vùng bảo vệ là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả quản lý và kế thừa giá trị di sản.

Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế kiện toàn bộ máy quản lý di tích, ban hành quy chế quản lý cụ thể, phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng địa phương.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tín ngưỡng tôn giáo tham gia đầu tư, tài trợ công tác bảo tồn, gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững, giáo dục lịch sử – văn hóa cho thế hệ trẻ.

Công cuộc sắp xếp lại đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, tạo điều kiện để bộ máy quản lý ngày càng tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, với lĩnh vực đặc thù như quản lý di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội và du lịch, việc rà soát, cập nhật đồng bộ các thông tin sau sắp xếp là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo không làm gián đoạn công tác bảo tồn – phát huy giá trị di sản.

Việc giữ nguyên tên gọi di tích, di sản là để bảo toàn giá trị gốc, nhưng song song với đó, cập nhật thông tin địa chỉ, đơn vị quản lý, phạm vi phân bố theo đơn vị hành chính mới là yếu tố sống còn để hệ thống văn hóa – di sản tiếp tục phát huy vai trò trong sự phát triển bền vững của địa phương.

Đây là thời điểm các cấp chính quyền cần nhìn nhận văn hóa không chỉ là "màu sắc" mà còn là trụ cột quản trị hiện đại, là nền tảng để định hình bản sắc và lan tỏa sức mạnh mềm của quốc gia trong thời đại mới./.

Bài, ảnh: Việt Bách, BBT